Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Các điểm du lịch đầu xuân 2017

Tết đến, xuân về việc đầu tiên của năm mới đi lễ, xin lộc may mắn, sức khỏe... là phong tục và xu hướng chung của người Việt. Đặc biệt, với người miền Bắc, việc đi lễ, hành hương về với những di tích trở thành nét văn hóa riêng, được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước tết Nguyên đán du lịch lễ hội đầu năm luôn được mọi người lên kế hoạch sắp sếp từ trước. Dưới đây là 12 điểm du xuân đầu năm không thể bỏ qua dịp đầu xuân 2017.
1. Chùa Hương


Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch, du lịch lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất và diễn ra dài nhất trong năm, được tổ chức tại khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Hương là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo bao gồm núi, đồi, hang, động, suối rừng, chùa tháp...
Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

2. Đền Gióng (Sóc Sơn)
Nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội 35km về phía Bắc, khu di tích đền Gióng dưới chân núi Vệ Linh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được Bộ VHTT xếp hạng từ năm 1962. Nơi đây tương truyền còn in đậm dấu vó ngựa sắt của vị anh hùng Thánh Gióng, nhân vật đầy tính huyền thoại tượng trưng cho tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc.
Hội Gióng Sóc Sơn được tổ chức hàng năm vào mồng 6 tháng Giêng, là dịp để khách thập phương trẩy hội đầu năm, dâng hương tưởng nhớ thánh Gióng – vị anh hùng thần thoại. Không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội với sự góp mặt của 54 tổng, 124 xã với nhiều lễ, hội như lễ rước voi, tiễn ngà voi, tiễn hoa tre, khiển tướng… Du khách đi dự lễ hội trở về thế nào cũng phải có trong tay những túm hoa tre nhuộm phẩm xanh, phẩm đỏ để lấy phước, cầu may cho mình trong năm mới. Ngoài dịp này, du khách còn đến trẩy hội khá đông trong 3 tháng mùa xuân và 3 tháng cuối năm.

3. Đền Hùng



Mặc dù tới ngày 10/3 mới là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của năm mới, như thường lệ hằng năm, du khách thập phương trên khắp mọi miền đất nước đã hành hương về "Đất Tổ", bái lễ, câu an cho cả năm ở Đền Hùng.
Lễ hội Đền Hùng gồm 2 phần:
Phần lễ gồm: Tổ chức chương trình tôn vinh, đón nhận Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc lễ  hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013. Chương trình buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Phú Thọ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ...
Phần hội năm nay có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với tôn vinh di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. 

4. Đền Bà Chúa Kho
Trên vùng quê Kinh Bắc cổ kính và văn hiến có không ít những đền thờ thần mẫu linh thiêng, huyền diệu, một trong số đó là đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ - một làng ven chân núi kho, nằm bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh.
Du Lịch Đền Bà Chúa Kho không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị mà còn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách thập phương có mong muốn mang một chút tài lộc đầu năm về cho gia đình và người thân. Vì vậy hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh để cầu tài cầu lộc, quan trọng nhất là vay tiền Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài.

5. Hội Lim

Không phải ngẫu nhiên người ta bảo Hội Lim (ở thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) là lễ hội đặc sắc vùng Quan họ. Không biết bởi duyên trời hay tình người Quan họ đằm thắm mà giã bạn rồi, du khách thập phương cứ vương vấn mãi câu hát “Người ở đừng về”… Và vì thế, cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội.
Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Sáng sớm ngày 13 là lễ rước kinh từ chùa Trũng tới chùa Hồng Ân, sau những nghi thức tế lễ, đoàn rước đón nước thiêng từ chùa Hồng Ân trở về chùa Trũng. Kết thúc lễ rước, vào lễ khai hội.
Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm... vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.

6. Chùa Bái Đính



Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở Gia Viễn - Ninh Bình. Chùa với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á; chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam...
Với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, mang đậm bản sắc truyền thống, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ninh Bình. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.

7. Nhà thờ đá Phát Diệm
Đến nhà thờ đá Phát Diệm, chắc chắn bạn sẽ được chỉ cho xem ngôi mộ của vị linh mục Trần Lục mà người ta vẫn quen gọi là cụ Sáu. Trên mộ có ghi mấy dòng chữ: Người kiến thiết nhà thờ đá Phát Diệm, sinh năm 1825 tại làng Mỹ Quan - huyện Nga Sơn - tỉnh Thanh Hoá - Xứ Kẻ Dừa. Công lao của cụ không chỉ được nói đến với Giáo hội nói chung mà còn với xứ Phát Diệm nói riêng đặc biệt là trong việc cho xây dựng nhà thờ đá này.
Nhà thờ là sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc đình chùa Phương Đông và lối kiến trúc Gô-tíc Phương Tây tạo nên một quần thể kiến trúc bao gồm: ao hồ, Phương Đình và nhà thờ lớn. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng lối kiến trúc của nhà nguyện Đức Mẹ. Hầu như tất cả mọi thứ ở đây đều làm bằng đá từ nền, tường, cột cho đến chấn song cửa. Ấn tượng hơn nữa khi tôi được biết tất cả đều được làm chỉ với bàn tay tài hoa của người thợ và một dụng cụ đục đá nhỏ.
Tham quan bất cứ đâu trong kiến trúc nhà thờ, ta đều thấy những hoa văn chạm khắc rất đẹp. Và nếu chịu khó để ý một chút, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nét văn hóa Á Đông trong đó. Đó là hình ảnh của tùng, cúc, trúc, mai; là hình ảnh của hoa sen rất Việt Nam; là chuông, là trống ở khu Phương Đình nữa.
Nhà thờ đá cũng khiến cho du khách trong và ngoài nước nể phục bởi quá trình chuẩn bị và xây dựng lâu dài, chu đáo của nó. Phải mất 10 năm để chuẩn bị vật tư và phải mất 24 năm cho việc xây dựng và hoàn thành nhà thờ. Toàn bộ vật tư được mua hoặc khai thác từ những địa điểm rất xa xôi, phương tiện vận chuyển hết sức hạn chế trong số đó chủ yếu là gỗ và đá. Có những súc gỗ dài đến 11m, nặng đến 7 tấn. Đá có phiến nặng đến 20 tấn… tất cả được vận chuyển nhờ thuyền bè kết lại thành từng mảng lớn xuôi ngược trên những dòng kênh mà trước đây cụ Nguyễn Công Trứ đã ra công khai mở.

8. Yên Tử



Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thương Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.
Dù phải trải qua hàng ngàn bậc đá nhưng nhiều du khách vẫn cố gắng đi tới Chùa Đồng - Yên Tử để bái phật, cầu may mắn.
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng.

9. Đầu năm đi lễ đền Trần

Nằm trên địa bàn xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định, đền Trần là nơi thờ 14 vị vua đời Trần. Những ngày đầu năm mới, khách thập phương kéo về đền Trần rất đông với mong muốn cầu xin một năm mới an lành, con cái học hành thành đạt.
Với người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, đầu năm đi lễ đền Trần đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của không ít gia đình. Vào đền thắp nhang cầu xin cho gia đình một năm mới bình an, con cái học hành tấn tới. Du Lịch Đền Trần 2016
Đền Trần có ba ngôi: Đền chính để thờ ngai vàng, hai bên hông đền chính là đền thờ 14 vị vua Trần và đền thờ các vương hậu.
Gia đình nào có con em đang học hành thi cử, thế nào cũng phải đến đền Trần, vì tương truyền nếu ai xin được ấn của đền Trần, người đó sẽ học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt, con đường công danh được thăng tiến, vẻ vang.
Chính vì thế, từ mùng 1 đến 15 (Âm lịch), khách thập phương kéo về đền Trần rất đông. Lễ Khai ấn chính thức bắt đầu vào giờ tý (23g) đêm 14 tháng giêng Âm lịch, nhưng người dân không chỉ đợi đến đúng thời khắc đó mới đến đền Trần.
Ngay từ mùng 1 Tết, khách đã nườm nượp đến viếng đền. Gia đình nào cũng mang con em đi cùng, sau khi thắp nhang nơi đền chính, họ đưa con em sang đền thờ 14 vị vua Trần. Một cách ôn lại lịch sử, tưởng nhớ các vị vua Trần.

10. Chợ Viềng

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định mở chính thức vào ngày mồng 8, nhưng ngay từ chiều ngày mồng 7 tháng Giêng đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hóa về bày bán.
Chợ họp về đêm, giữa cảnh tranh tối tranh sáng nên người đi chợ phải đến từ xẩm tối, và ra về khi trời cũng đã nhọ mặt người.
Du khách trảy hội chợ Viềng, không thể không bỏ qua ba việc quan trọng: đi lễ Đền Phủ Giầy, đền Trình…; mua một cây hoặc một món đồ bán tại chợ; mua đồ nông cụ và một miếng thịt bò do người dân địa phương chính tay giết mổ… để lấy phước về nhà.
Chợ Viềng xuân là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi năm du khách thập phương tới đây ngày một đông hơn, mặc dù phiên chợ đã ít nhiều mang đôi chút tính chất thương mại nhưng ý nghĩa cầu may thì vẫn còn vẹn nguyên.

11. Chùa Keo
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.
Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình.
Chùa thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư. Trong ngày lễ hội vào 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngoài lễ Phật, du khách còn có thể tham gia các trò chơi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo...

12. Côn Sơn – Kiếp Bạc
Là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia.
Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên(làng Kiếp) và Dược Sơn(làng Bạc). Vị trí của đền rất đặc biệt là nằm gần Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của con sông Thái Bình. Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.


Côn Sơn-Kiếp Bạc từ lâu đã in sâu vào trong tìm thức của người dân yêu lịch sử Việt Nam và ngày nay nơi đây đã trở thành thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun, xưa là một công trình kiến trúc vĩ đại gồm 385 pho tượng, từng là quần thể nguy nga với 83 gian, gạch đỏ, ngói để men màu. Đến nay chùa vẫn giữ lại được những ngọn đá chạm cánh sen và một số ngói mũi hài đời Trần. Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang- vị tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm. Trước sân chùa có một cây cổ thụ 600 tuổi làm tăng thêm vẻ trang nghiêm và uy nghi của chùa.

Ở Côn Sơn, mỗi năm đều diễn ra hai lễ hội lớn: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân là hội chùa Côn Sơn là để kỷ niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang diên ra vào ngày 16 cho đến ngày 22 tháng giêng. Còn Hội Thu sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng tám âm lịch để tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trãi. Du khách tham gia lễ hội sẽ được chơi những trò vui dân gian rất đặc sắc.

Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hằng năm, ở Kiếp Bạc có diễn ra hội đền Kiếp Bạc (còn gọi là hội Tháng Tám Kiếp Bạc). Lễ hội là để tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. ào những ngày đầu tháng cho đến cuối tháng giêng hằng năm, chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc đã đón rất nhiều khách phương xa đến đây thăm viếng, tham gia lễ hội cúng chùa đền.

Liên hệ: đặt tour & xe du lịch lễ hội 2017
Tel: 01674 886 977
Email: tuyensalestour@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét